Cách đây hơn 10.000 năm con người đã trực tiếp can thiệp vào sự tiến hóa và làm thay đổi cấu trúc di truyền của thực vật để thỏa mãn nhu cầu của mình. Bắt đầu bằng chọn lọc những cá thể phù hợp cho sự tiến hóa, chọn lọc nhân tạo đối với những tính trạng mong muốn như hạt và quả to, thời gian sinh trưởng ngắn, thấp cây, v.v đã làm thay đổi các loài thự vật so với họ hàng hoang dại thân thuộc. Về mặt lịch sử, chọn giống được coi là một nghệ thuật rồi sau đó là nghệ thuật và khoa học, ngày nay chọn giống là một ngành khoa học tổng hợp. Những tiến bộ chọn giống chủ yếu diễn ra sau khi tái phát hiện các quy luật di truyền của Mendel. Ngày nay khoa học chọn giống đòi hỏi sự phối hợp của nhiều nhà khoa học trong các ngành liên quan, giữa các cơ sở nghiên cứu chọn tạo giống, trung tâm tài nguyên di truyền và các cơ sở khác tham gia vào quá trình khảo nghiệm và xác nhận giống cây trồng mới. Cuộc “Cách mạng xanh” ở cây lúa mì và lúa nước thông qua các gen lùn đã mang lại cuộc sống ấm no cho hàng triệu người. Tiếp tục nhờ ứng dụng công nghệ sinh học để chuyển các gen có ích, chọn giống cây trồng là một trong những ngành sản xuất đóng góp to lớn cho lợi ích của loài người.
Với những phát triển mới trong chọn tạo giống cây trồng trên thế giới và Việt Nam, chẳng hạn như các giống ưu thế lai, những tiến bộ trong kỹ thuật di truyền, vi nhân hàng loại trong điều kiện in vitro, v.v. cuốn giáo trình này cung cấp cho sinh viên đại học và sau đại học ngành chọn giống cây trồng, nông nghiệp, làm vườn những nguyên lý và kiến thức cập nhật cơ bản của chọn giống thực vật dựa trên kiến thức di truyền ứng dụng và những ngành khoa học liên quan. Về cơ bản, cuốn giáo trình cập nhật thêm nhiều kiến thức của chọn giống so với các giáo trình biên soạn trước đây. Vì vậy, để tiếp thu tốt nội dung của giáo trình sinh viên phải có cơ sở về thực vật học, di truyền, các kiến thức sinh học, thống kê và trồng trọt đại cương.
Cuốn giáo trình gồm 14 chương chia làm 3 Phần:
Phần đầu (Chương 1 - 4) giới thiệu những kiến thức nhập môn làm nền tảng cho chọn tạo giống; đó là lịch sử của tiến hóa cây trồng, quá trình chọn giống, vai trò và xu thế của chọn giống trong sản xuất nông nghiệp, nguồn gen trong chọn giống, các nguyên lý sinh sản, di truyền, đặc biệt di truyền số lượng.
Phần II (Chương 5- 12) trình bày các phương pháp chọn tạo giống cơ bản, đặc thù đối với phương thức sinh sản: tự thụ phấn, giao phấn và sinh sản vô tính, đột biến, đa bội thể, lai xa và ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn giống.
Phần III (Chương 13 và 14) cung cấp cho sinh viên những nguyên lý liên quan tới công nhận giống, duy trì và sản xuất giống.
Các tác giả sau đây đã đóng góp cho cuốn giáo trình này:
1. Vũ Đình Hòa, các chương I, III, IV, VII, VIII, IX, X, XII
2. Nguyễn Văn Hoan, các chương II, V, XI
3. Vũ Văn Liết, các chương VI, XIII, XIV
Chúng tôi tin tưởng rằng cuốn giáo trình sẽ có ích cho sinh viên trong việc lĩnh hội bản chất khoa học của chọn giống, cập nhật những kiến thức cần thiết để có thể tiếp cận những kiến thức cao hơn và lựa chọn để phát triển chọn tạo giống thành một nghề nghiệp.
Tuy nhiên do thời gian và điều kiện có hạn cuốn giáo trình chưa thể đề cập đầy đủ những kiến thức mà độc giả có thể yêu cầu và khó tránh khỏi những khiếm khuyết. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của độc giả để tập thể tác giả cải tiến, bổ sung trong lần xuất bản sau.
Thay mặt tập thể tác giả
PGS. TS. Vũ Đình Hòa (Chủ biên)
PGS. TS. Vũ Đình Hòa (Chủ biên)
[EBOOK] GIÁO TRÌNH CHỌN GIỐNG CÂY TRỒNG, PGS. TS. VŨ ĐÌNH HOÀ (CHỦ BIÊN), PGS. TS. VŨ VĂN LIẾT, PGS, TS, NGUYỄN VĂN HOAN, TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG NGHIỆP I (HÀ NỘI)
Quý bạn đọc có thể tải ebook trên về TẠI ĐÂY.
Từ khoá: ebook, giáo trình, giáo trình chọn giống cây trồng, chọn giống cây trồng, kỹ thuật chọn giống cây trồng, di truyền chọn giống cây trồng, kỹ thuật chọn tạo giống cây trồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
levantaihg@gmail.com