Người Trung Quốc từ đời nhà Chu là những người đầu tiên có ý niệm về việc nuôi cá với mục đích đơn thuần làm cảnh, nghĩa là việc nuôi cá cảnh được thực hiện từ khoảng 2500 năm về trước. Từ những ao, hồ, sông suối lớn, cá được đưa vào những lọ thủy tinh nhỏ, bình thủy tinh cho đến các bình chứa, hồ chứa và bể kính càng ngày càng lớn và được trang trí đẹp đẽ.
Từ Trung Quốc, cá cảnh được truyền sang các nước Đông Nam Á và đến thế kỷ XVII nó được đưa sang Châu Âu, Châu Mỹ... Bắt đầu từ con cá giếc và cá chép của lục địa Á- Âu, người ta lợi dụng sự đột biến của chúng để tạo ra những giống loài lạ về hình dạng, màu sắc. Người ta đã tạo ra được 230 loài cá vàng có hình dạng, màu sắc khác nhau và rất nhiều dòng cá khổng tước (cá bảy màu) có kieu vây đuôi, vây lưng và màu sắc rất đa dạng.
Ngoài hình thức thưởng thức vẻ đẹp của cá, các nghệ nhân còn vận dụng tính hiếu chiến của một số loài cá để chọi với nhau như: cá xiêm, cá lia thia và cá đuôi cờ nhưng cá lia thia là được ưa chuộng hơn cả. Vào khoảng 1850, cá chọi rất phổ biến ở Thái lan. Người dân chọi cá trong các ngày hội, đình đám, các cuộc thi đấu thể thao. Từ 1927, cá chọi được nhập cảng vào nhiều nước Châu Âu và từ đó nó cũng đã hấp dẫn nhiều người chơi cá ở các độ tuổi khác nhau như ở nhiều nước Đông Nam Á.
Việt Nam, nằm ở khu vực Đông Nam Á, là một trong 3 vùng nuôi cá cảnh nổi tiếng trên thế giới. Sự di nhập của nhiều giống cá nước ngoài đẹp và qúi hiếm đã đưa nghề cá cảnh nước ta trở thành nghề đặc trưng mấy chục năm qua. Một số loài cá cảnh phân bố ở Việt Nam như cá bảy trầu (Trichopsis vittatus), cá thanh ngọc (Ctenops pumilus), cá lòng tong (Rasbora sppj, cá chọi hay cá xiêm (Betta splendens) và một số loài khác trong họ cá heo, cá mang rổ, cá nóc, cá còm...
Để có kế hoạch phát triển cá cảnh qui mô lớn, chúng ta không thể nào bỏ qua thị trường tiêu thụ chúng. Hiện nay, các thị trường tiêu thụ cá cảnh lớn nhất là Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản. Trong các nước có số lượng cá cảnh nhập khẩu cao hằng năm là Hoa Kỳ khoảng 25.863.000 USD (1977). Các nước cung cấp cá cảnh cho Hoa Kỳ là Đông Nam Á, Nam Mỹ và châu Phi. Các nước Đông Á và Đông Nam Á (Hongkong, Singapore, Thái lan, Philippine, Malaysia) xuất khẩu cá cảnh trị giá 17 triệu USD vào năm 1977, trong đó đứng đầu là HongKong và Singapore với tổng giá trị là 8. 393.000 USD và 4.892.000 USD. Sang thị trường Tây Âu, các nước Đông Nam Á xuất khẩu cá cảnh chiếm 63 % (1977), trong đó thị trường Tây Đức là lớn nhất. Thị trường Nhật Bản có giá trị buôn bán cá cảnh hàng năm khá cao khoảng 50 triệu USD (1977) nhưng đạt giá trị nhập khẩu khoảng 2.149.000 USD, trong đó Hong Kong là nước cung cấp chủ yếu.
[EBOOK] GIÁO TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI CÁ CẢNH, TS. BÙI MINH TÂM, KHOA THUỶ SẢN, TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ (ĐHCT)
Quý bạn đọc có thể tải ebook trên về TẠI ĐÂY.
Từ khoá: ebook, giáo trình, kỹ thuật nuôi cá cảnh, giáo trình nuôi cá cảnh, giáo trình kỹ thuật nuôi cá cảnh, rong, trứng nước, luân trùng, ấu trùng muỗi đỏ, cá rồng, cá dĩa, cá ông tiên, cá lia thia, cá la hán, cá sơn, đại học cần thơ, đhct, ctu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
levantaihg@gmail.com