Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, có ý nghĩa quyết định trong việc phát triển sản xuất nông lâm nghiệp nói riêng và kinh tế nông thôn nói chung. Chính sách đất đai của Nhà nước ta trong những năm gần đây đã có tác dụng thúc đẩy các tổ chức, cá nhân sử dụng có hiệu quả, phát huy nội lực, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn, bảo đảm ổn định kinh tế xã hội. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, đất đai đã được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm trong việc ban hành các chủ trương chính sách nhằm phát huy tác dụng to lớn của đất đai trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.
Đối với đất lâm nghiệp, rừng có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, rừng là một loại tài nguyên đặc biệt có khả năng tự tái tạo, có vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái, đời sống kinh tế xã hội. Vì vậy, công tác bảo vệ phát triển rừng là vấn đề có tính chiến lược gắn liền với sự nghiệp phát triển toàn diện kinh tế xã hội, sẽ không có một nền kinh tế bền vững nếu không quan tâm phát triển bền vững. Mặc dù nước ta có tài nguyên rừng phong phú đa dạng, có nhiều loại gỗ và lâm sản có giá trị cao, từ lâu rừng đã gắn bó với cuộc sống của hàng chục triệu người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc sống ở trong rừng và gần rừng. Bước vào thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước, vai trò của rừng đối với việc bảo vệ môi trường, cung cấp lâm sản cho nền kinh tế quốc doanh, đáp ứng các nhu cầu của con người ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, trong mấy chục năm qua (1943-1995) nước ta mất đi 5 triệu ha rừng, bình quân mỗi năm mất đi khoảng 100.000 ha [1]. Sự mất rừng đã gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái, là nguyên nhân làm cho thiên tai những năm gần đây trở nên khắc nghiệt hơn: đó là lũ lụt, hạn hán, lở đất thường xuyên xảy ra đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng kể cả người và tài sản của nhân dân.
Trước tình hình đó Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương chính sách nhằm bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có và đẩy mạnh các hoạt động xây dựng, phát triển vốn rừng. Nông lâm nghiệp và nông thôn luôn được coi là lĩnh vực quan trọng sống còn của nền kinh tế nước ta, bởi đây là một ngành thu hút đến 70% lao động cả nước. Trong tình hình đổi mới, một loạt các chính sách mới đã tạo ra tiền đề quan trọng cho việc tổ chức lại các hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp. Một trong những chính sách gây được sự chú ý quan tâm của mọi người dân, đặc biệt là nông dân sống ở vùng miền núi trung du, đó là chính sách giao đất, khoán rừng trong ngành lâm nghiệp. Chính sách giao đất, khoán rừng với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm cho mỗi mảnh đất đã có chủ quản lý, nó thực sự trở thành đòn bẩy để phát huy mọi tiềm năng của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng tích cực tham gia vào việc quản lý bảo vệ xây dựng và phát triển tài nguyên rừng.
Thực tế cho thấy trong thời gian qua, chính sách giao đất, khoán rừng đã đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân các dân tộc, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do những biến động về kinh tế xã hội và tình hình thực tế của mỗi địa phương, chính sách giao đất, khoán rừng có nơi có lúc chưa phát huy hết tác dụng và còn một số tồn tại. Vì vậy, việc quản lý đất đai nói chung và đất lâm nghiệp nói riêng nảy sinh những thách thức mới đòi hỏi công tác giao đất, khoán rừng cần được sửa đổi bổ sung và hoàn thiện.
Quá trình việc chuyển đổi quản lý rừng và đất rừng từ Nhà nước sang quản lý rừng và đất rừng có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương thể hiện trong rất nhiều các hướng dẫn và các nghiên cứu trong những năm gần đây của nhà nước ta. Chủ trương này là một trong những biện pháp nhằm thúc đẩy các chính quyền địa phương phối hợp cùng với cộng đồng quản lý tốt đất lâm nghiệp trên địa bàn.
Quản lý tốt và sử dụng có hiệu quả đất lâm nghiệp là một lĩnh vực lớn đang được đầu tư nghiên cứu trong giai đoạn hiện nay không những ở Việt Nam mà còn tiến hành ở nhiều nước chậm phát triển trên thế giới.
Quản lý đất lâm nghiệp là một lĩnh vực khoa học nghiên cứu gắn liền với quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, quản lý rừng dựa vào cộng đồng, hay nói cách khá nó là môn khoa học nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và quản lý nguồn tài nguyên rừng và đất rừng. Hay nói cách khác quản lý đất lâm nghiệp là những hoạt động của con người và cộng đồng về quy hoạch sử dụng đất và giao đất lâm nghiệp cho cộng đồng dựa trên các chính sách luật pháp của nhà nước ban hành như luật Đất đai, luật bảo vệ và phát triển rừng v.v... nhằm thúc đẩy mọi thành phần kinh tế trong xã hội tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Nhằm trang bị cho sinh viên một số kiến thức và cách tiếp cận mới trong quản lý nguồn tài nguyên, chúng tôi tiến hành soạn thảo cuốn giá trình “ Quản lý đất lâm nghiệp”
Trong khuôn khổ của cuốn giáo trình “Quản lý đất lâm nghiệp” chúng tôi chi xin được khái quát hoá một số nội dung quan trọng về quản lý rừng và đất rừng đã được các tổ chức thực hiện trong thực tiễn tại các địa phương trong những năm gần đây trên quan điểm tiếp cận có sự tham gia trong quản lý nguồn tài nguyên rừng và đất rừng.
Nội dung cơ bản của cuốn giáo trình này gồm 4 chương như sau:
Chương 1. Phân tích một số chính sách có liên quan đến quản lý nguồn tài nguyên rừng và phát triển nông thôn gắn liền với quản lý rừng và đất rừng.
Chương 2. Giới thiệu tiến trình quy hoạch sử dụng đất và giao đất lâm nghiệp có sự tham gia dựa trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất cấp xã của nghị định 181.
Chương 3. Giới thiệu phương pháp đánh giá đất lâm nghiệp sau khi được giao để phục vụ cho công tác trồng rừng hoặc các phương thức sử dụng đất khác nhằm tạo ra hệ thống sử dụng đất bền vững.
Chương 4. Giới thiệu một số mô hình sử dụng đất tổng hợp (đất sau khi đã mất rừng) nhằm cải thiện sinh kế cho cộng đồng và bảo vệ được môi trường đất bền vững.
Chương 5. Phương thức quản lý rừng tự nhiên (đất còn rừng tự nhiên) sau khi được giao cho cộng đồng trên quan điểm tiếp cận đồng quản lý nguồn tài nguyên bền vững dựa vào cộng đồng cũng được đề cấp một cách tổng quát trong cuốn giáo trình này.
Giáo trình Quản lý đất lâm nghiệp là một cuốn sách trình bày một khối kiến thức kết hợp giữa khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội trên lĩnh vực quản lý và sử dụng đất vì vậy khó có thể tránh khỏi những sai sót nhất định trong quá trình phân tích vấn đề. Tuy nhiên hy vọng rằng thông qua thực tế giảng dạy và cập nhật thêm các thông tin hiện đang nghiên cứu, chúng tôi sẽ có một cuốn giáo trình có chất lượng tốt trong lần xuất bản tiếp theo.
Xin trân trọng cảm ơn Đại học Huế và tập thể cán bộ giảng dạy Khoa lâm nghiệp đã hỗ trợ cho nhóm chúng tôi hoàn thành cuốn giáo trình này.
[EBOOK] GIÁO TRÌNH QUẢN LÝ ĐẤT LÂM NGHIỆP, TS. DƯƠNG VIẾT TÌNH, BỘ MÔN LÂM SINH, KHOA LÂM NGHIỆP, ĐẠI HỌC HUẾ
Quý bạn đọc có thể tải ebook trên về TẠI ĐÂY.
Từ khoá: ebook, giáo trình, giáo trình quản lý đất lâm nghiệp, đất lâm nghiệp, quản lý đất lâm nghiệp, lâm sinh, lâm nghiệp, quản lý đất đai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
levantaihg@gmail.com