Hóa học phân tích là môn khoa học về các phương pháp xác định thành phần định tính và định lượng của các chất và hỗn hợp của chúng. Như vậy, hóa phân tích bao gồm các phương pháp phát hiện, nhận biết cũng như các phương pháp xác định hàm lượng của các chất trong các mẫu cần phân tích. Để tiến hành phân tích định tính cũng như định lượng các chất, đặc biệt khi phân tích các chất trong các mẫu có thành phần phức tạp, người ta thường phải sử dụng các phương pháp tách chất một cách thích hợp. Các khái niệm vừa nêu, người đọc cũng như sinh viên đã được làm quen khi học tập và nghiên cứu các tài liệu về các môn học Hóa sơ cấp, Hóa học đại cương và Hóa học vô cơ.
Hóa học phân tích đóng vai trò quan trọng và có thể nói đóng vai trò sống còn đối với sự phát triển các môn hóa học khác củng như các ngành khoa học khác nhau, các lỉnh vực của công nghệ, sản xuất và đời sống xã hội. Chỉ cần đơn cử một thí dụ: Muốn tổng hợp một chất mới rồi nghiên cứu các tính chất cũng như những ứng dụng của nó nhất thiết phải sử dụng các phương pháp phân tích thích hợp để xác định thành phần nguyên tố, mức độ tinh khiết, xác định cấu trúc của nó. Chính vì thế Engel đã từng nói:"không có phân tích thì không thể có tổng hợp”.
Do có tầm quan trọng như vậy nên một loạt các chuyên ngành của khoa học phân tích đã ra đời và ngày càng phát triển mạnh như : Phân tích môi trường, Phân tích khoáng liệu, Phân tích hợp kim, kim loại, Phân tích lâm sàng, Phân tích dược phẩm, Phân tích thực phẩm, v.v...
Khi tiến hành phân tích một đối tượng nào đó nhà phân tích phải thực hiện các bước sau đây:
a) Chọn phương pháp phân tích thích hợp và xác định các vấn đề cần gỉai quyết. Khi thực hiện bước này cần phải đặc biệt chú ý đến tầm quan trọng, ý nghĩa pháp lí và kinh tế của công việc phân tích, chú ý đến độ đúng đắn, độ lặp lại và tính khả thi của phương pháp phân tích.
b) Chọn mẫu đại diện là mẫu có thành phần phản ánh đúng nhất cho thành phần của đối tượng phân tích. Từ mẫu đại diện tiến hành chọn và chuẩn bị mẫu thí nghiệm là mẫu dùng để tiến hành phân tích chất cần xác định. Sau đó thực hiện việc biến mẫu này thành dung dịch phân tích.
c) Tách chất. Để phân tích các mẫu có thành phần phức tạp thường phải tách hoặc là các chất lạ, các chất ngăn cản phép xác định chất cần phần tích hoặc tách riêng chất cần phân tích ra khỏi hỗn hợp với các chất khác.
d) Tiến hành định lượng chất cần phân tích, tức là thực hiện các thao tác, các phép đo đạc phân tích để xác định nồng độ hoặc hàm lượng chất cần phân tích trong dung dịch mẫu đã chuẩn bị trong bước trên.
e) Tính toán kết quả phân tích, đánh giá độ tin cậy của các kết quả đó.
Tất cả các bước trên đều có tầm quan trọng và liên quan mật thiết với nhau không thể bỏ qua và coi nhẹ bước nào cả.
[EBOOK] CƠ SỞ HOÁ PHÂN TÍCH, HOÀNG MINH CHÂU (CHỦ BIÊN) ET AL., NXB KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT
Quý bạn đọc có thể tải ebook trên về TẠI ĐÂY.
Từ khoá: ebook, giáo trình, hoá phân tích, phân tích hoá học, cơ sở hoá phân tích, giáo trình hoá phân tích, hoá học phân tích, cơ sở hoá phân tích, định tính, định lượng, chuẩn độ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
levantaihg@gmail.com