https://tailieunongnghiep.com/ - chia sẻ tài liệu nông nghiệp miễn phí
Cây rất biết đùm bọc nhau, và chia ngọt xẻ bùi với nhau trong cơn hoạn nạn.
Số là để phủ xanh đồi trọc, trong những năm ba mươi, ở Mĩ đã dấy lên một phong trào trồng thông trên các triền núi "vách đá cheo leo", quanh năm giá rét, bốn mùa gió lộng. Để giúp chúng bám trụ vững chắc ở những chốn heo hút, khắc nghiệt đó, người ta trồng thông khá dày, để chúng mục quây quần thành từng cụm nhỏ. Tất nhiên, trong mỗi cụm, có những cây to khỏe nhưng cũng có những cây khẳng khiu. Mươi năm sau, không may xảy ra một vụ hạn hán kéo dài. Thiếu nước trầm trọng, cây xác xơ, khô héo, tàn lụi dần...
Đố các em thử đoán số phận của từng cây trong mỗi nhóm xem nào ?
Rõ ràng, cây yếu chết trước, cây khỏe chết sau, chứ gì ? Đúng, theo luật rừng với đời thường của con người, thì như vậy đấy ! "Sống chết mặc bay" mà !
Thế nhưng đối với các tập thể cây thông thì, lạ quá, không như vậy, các em ạ.
Các nhà khoa học lúc đầu đã tò mò, về sau đã ngạc nhiên và cuối cùng đã bâng khuâng theo dõi một hiện tượng bất ngờ: từng nhóm thông đã kiên cường, chung thủy nương tựa vào nhau mà cầm cự vói khô hạn, đúng là trên tinh thần "hễ sống thì cùng sống, đã chết hãy cùng chết".
Và thực tế, tất cả các cây thông trong một cụm, đều khô quắt lại trong vòng năm bảy ngày, không phân biệt to khỏe hay khẳng khiu. Hoặc ngược lại, tất cả các cây trong cùng một cụm đều tai qua nạn khỏi và sống sót, chẳn nề nhỏ bé hay lớn mạnh.
Về sau, các nhà nghiên cứu đã tìm ra bí quyết sinh học của hiện tượng chung lưng đấu cật đó. Thì ra, rể cũng như thân đều không ngừng mọc dài thêm và to ra. Hệ rể của những cây trong cùng một cụm cứ thế tiến lại gần nhau, tiếp xúc với nhau và cuối cùng kết dính với nhau, thành một hệ rể chung, duy nhất. Khi hạn hán, đám rể nào mọc ở vùng đất còn rơi rớt chút ít nước, sẽ chắt chiu chút it nước đó, để chia đều cho cả nhóm, theo tinh thần "lá lành đùm lá rách". Chỉ khi nào mọi nguồn nước đều cạn kiệt, cả tập thể cây mới bó tay chịu cùng chết. Các em nghĩ sao, khi ta tiếp tục ăn ở với nhau theo lối:
Tưởng rằng chị ngã em nâng
Ai hay chị ngã em bưng miệng cười!
Nguồn: Chuyện lạ có thật về thực vật (Lê Quang Long và Nguyễn Thị Thanh Huyền)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
levantaihg@gmail.com