Hội nghị Quốc tế lần I tại Stockhom (Thụy Điển, 1972) đã cảnh báo thế giới về một hiện trạng khó xử nghiêm trọng. Một mặt, cần tăng tối đa nhịp điệu phát triển kinh tế để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của loài người đang ngày càng đông lên. Mặt khác, sự chạy đua vũ 'trang của các nước giàu và đẩy nhanh "công nghiệp hoá, hiện đại hoá" ở các nước nghèo để phát triển theo mô hình các xã hội phương Tây đã gây ra những tác động xấu chưa từng có đối với môi trường, đặc biệt đối với hệ sinh thái - hệ nuôi dưỡng sự sống trên Trái Đất.
Thập niên 1980 trở lại đây đã chứng kiến sự bùng phát các thảm hoạ môi trường : hạn hán, bão lụt, ô nhiễm không khí và mưa axit, các sự cố hạt nhân và rò rỉ hoá chất độc hại, sự suy thoái thảm hại quỹ đất trồng trọt, lan tràn hoá chất bảo vệ thực vật và ô nhiễm các nguồn nước, thủng tầng ôzôn, hiện tượng ấm lên toàn cầu do hiệu ứng nhà kính, số lượng "triệu phú áo rách" tăng song hành với phong trào tỵ nạn môi trường, đan xen với các cuộc chiến tranh sắc tộc và tranh giành không gian sử dụng môi trường. Sự song hành của việc bùng nổ dân số với đại dịch AIDS và sự "tái xuất giang hồ" của các bệnh dịch thời trung cổ đã một thời được kiểm soát và tiêu diệt như lao, thương hàn, dịch hạch...
Nếu các quốc gia không liên kết để chấm dứt sự suy thoái môi trường thì đến năm 2030, với dân số thế giới khoảng 9 - 10 lý, với nhiệt độ toàn cầu tăng 3 độ C, sự suy thoái tài nguyên và môi trường sẽ dẫn nhân loại đến cuộc Đại khủng hoảng của thế kỷ XXI, tạo ra một vòng xoáy làm tan rã xã hội loài người (UNDP, 1990). Cuộc Đại khủng hoảng thế kỷ này sẽ là sự chồng chất những vấn đề nan giải như nạn đói, ô nhiễm và suy thoái hệ nuôi dưỡng sự sống, dịch bệnh, xung đột môi trường và tỵ nạn môi trường hàng loạt, biến động khí hậu khó lường đi kèm thiên tai... với tốc độ dữ dội, vượt quá khả năng thích ứng của xã hội cũng như khả năng của mọi trình độ công nghệ trên Trái Đất.
Các nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng môi trường bắt nguồn từ mô hình phát triển lấy tăng trưởng kinh tế làm trọng tâm, khuyến khích một xã hội tiêu thụ, dựa trên nền tảng những phát minh công nghệ tiêu tốn năng lượng, tài nguyên và gây ô nhiễm, sự trốn tránh trách nhiệm đối với thế hệ tương lai thông qua việc không nội bộ hoá các chi phí môi trường và lạm dụng quá mức tài nguyên cũng như không gian môi trường.
Chúng ta không sở hữu Trái Đất, chúng ta vay mượn Trái Đất từ con cháu mình. Chúng ta sinh ra từ những quá trình tự nhiên không phải để thống trị, mà để sóng hoà hợp với thiên nhiên. Sự phát triển của mỗi người, mỗi cộng đồng và mỗi quốc gia đều phụ thuộc vào những điều kiện môi trường của mình và không một thế hệ nào được phép tự cho mình cái quyền được lạm dụng hay phá huỷ những yếu tố cần thiết cho sự tồn tại của các thế hệ sau. Những luận lý này cần phải được phổ cập trong xã hội bằng một chương trình giáo dục môi trường nhằm thay đổi nhận thức của con người, sao cho công dân và các quan chức có thể thay đổi hành vi, ra quyết định về mọi vấn đề theo hướng bền vững.
Phát triển bền vững là chiến lược duy nhất có thể cung ứng một cuộc sống tươm tất và có chất lượng cho nhân loại trong khi tránh được những thảm họa sinh thái trong 30 - 40 năm tới, là lối sống cần phải thay thế cho lối sống tiêu thụ vô lý hiện nay đang xô đẩy con người vào vòng xoáy của mô hình phát triển kinh tế nửa vời, lầm tưởng cái vô hạn của hệ sinh thái có thể tồn tại trong một thế giới mà cái gì cũng là hữu hạn, kể cả không khí mà chúng ta hít thở hằng ngày chưa phải trả tiền (Nguyễn Thành Bang, 1995).
“Môi trường và phát triển bền vững" là giáo trình được biên soạn nhằm mục đích cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về môi trường, gắn kết những vấn đề môi trường và phát triển, tạo cơ sở để nghiên cứu những lĩnh vực khác như quản lý khoa học - công nghệ và môi trường, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn.
Giáo trình này được biên soạn theo Chương trình khung do Bộ GD - ĐT ban hành năm 2004, dành cho sinh viên các trường đại học và cao đẳng ngoài ngành Môi trường. Đồng thời giáo trình này cũng là tài liệu tham khảo cho những người làm công tác khoa học, các nhà quản lý về khoa học - công nghệ, các nhà quản lý xã hội, các chuyên gia dự án phát triển và độc giả có quan tâm đến vấn đề môi trường và phát triển. Giáo trình Môi trường và phát triển bền vững được cấu trúc thành 6 chương :
• Chương 1 giới thiệu những khái niệm cơ bản về môi trường ; các vấn đề môi trường toàn cầu và ở Việt Nam hiện nay.
• Chương 2 phân tích hai mô hình phát triển : phát triển không bền vững và phát triển bền vững hiện nay đang được duy trì trên thế giới.
• Chương 3 trình bày những vấn đề về môi trường và phát triển bền vững ở 2 vùng kinh tế sinh thái cơ bản : nông thôn và đô thị.
• Chương 4 phân tích sáu cản trở cần khắc phục để hướng tới phát triển bền vững.
• Chương 5 giới thiệu một số phép đo đơn giản giúp đánh giá độ bền vững địa phương.
• Chương 6 trình bày về định hướng chiến lược bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Trong quá trình biên soạn chắc chắn không tránh khỏi sai sót, tác giả mong nhận được ý kiến đóng góp của người đọc để có thể nâng cao chất lượng của giáo trình.
[EBOOK] GIÁO TRÌNH MÔI TRƯỜNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, NGUYỄN ĐÌNH HÒE, NXB GIÁO DỤC
Quý bạn đọc có thể tải ebook trên về TẠI ĐÂY.
Từ khoá: ebook, giáo trình, môi truwòng và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, khía niệm về môi trường, môi trường toà ncầu, phát triển bền vững, nông nghiệp sinh thái, bảo vệ môi trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
levantaihg@gmail.com