Tìm kiếm Ebook:

⇩⇩⇩ HƯỚNG DẪN TẢI EBOOK TRÊN BLOG ⇩⇩⇩

[BUỒN LÀM CHI EM ƠI] TÀI KHOẢN MEDIAFIRE CỦA BLOG ĐÃ BỊ KHÓA

Đầu tiên mình xin cám ơn các bạn đã gắn bó với Blog suốt thời gian qua, nhờ có mọi người mà Blog của mình mỗi ngày một đông vui hơn, cá...

[EBOOK] SINH THÁI HỌC QUẦN THỂ, NGUYỄN XUÂN HUẤN, NXB ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Sinh thái học quần thể (Population Ecology) là môn học nghiên cứu sâu về kích thước các quần thể thực vật và động vật cùng với các quy luật biến động số lượng của chúng. Ngoài ra, những vấn đề liên quan khác như phân bố, chiến lược tồn tại và phát triển; mối quan hệ trong nội bộ loài và khác loài; khai thác và kiểm soát các quần thể... cũng được Sinh thái học quần thể quan tâm nghiên cứu.

Tại sao phải nghiên cứu sinh thái học quần thể? Để hiểu được các quần xã sinh vật phức tạp gồm nhiều loài quan hệ tương hỗ với nhau và với môi trường, điều đầu tiên và cần thiết là phải hiểu được những hệ thống sinh học đơn giản hơn, gồm một hay hai loài. Sinh thái học quần thể tập trung chủ yếu vào sinh thái học của từng quần thể vì hai lý do. Thứ nhất, khi hiểu được những biến động của một quần thể sẽ giải quyết được các vấn đề liên quan đến sinh thái học quần thể. Thứ hai, đây là hệ thống đơn giản nhất có thể nghiên cứu kỹ một cách thuận tiện và có thể mô phỏng được bằng các mô hình toán học đơn giản.

Tại sao sinh thái học quần thể lại thường tập trung nghiên cứu về số lượng cá thể và coi nó như một biến số đáng quan tâm nhất mà không đi sâu nghiên cứu về các loại biến số khác, ví dụ như dòng năng lượng trong quần thể? Bởi vì số lượng cá thể ít sẽ có ảnh hưởng rất lớn lên sự tồn tại và cân bằng của một quần thể và tiếp sau đó là cân bằng của quần xã và hệ sinh thái cũng như vai trò của nó đối với các quần thể khác. Chẳng hạn, một quần thể vật dữ có kích thước nhỏ nhưng vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc điều chỉnh mật độ một quần thể vật mồi có kích thước lớn. Các quần thể vật ký sinh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quần thể vật chủ. Nhưng một quần thể nhỏ cũng có thể dễ lâm vào nguy cơ bị tiêu diệt khi gặp phải những tác động vượt quá giới hạn cho phép.

Do vậy, sinh thái học quần thể thực chất là một môn học thiên về số lượng và định lượng. Sinh thái học quần thể hướng mối quan tâm vào các quá trình diễn ra trong quần thể và biến động số lượng quần thể, hiểu và giải thích được chúng để rồi dự báo được những thay đổi về kích thước của quần thể. Muốn làm được như vậy, cần phải tiếp cận với các mô hình. Mô hình được coi là công cụ hữu dụng trong mô phỏng quần thể (cũng như các hệ thống sống cao hơn). Các mô hình này chủ yếu được biểu diễn bằng ngôn ngữ toán học. Tuy nhiên, vì đối tượng chính là các sinh viên ngành Sinh học nên giáo trình này đã cố tránh những mô hình phức tạp và chỉ chọn lựa những mô hình đơn giản nhưng vẫn đảm bảo được các nội dung một cách thoả đáng.

Giáo trình này được cấu trúc theo các chương sau đây:

Chương 1. Biến động số lượng và các trạng thái cân bằng của quần thể. Chương này chủ yếu khái quát những đặc trưng của quần thể và các khái niệm liên quan đến các chương tiếp theo như các quá trình diễn ra trong quần thể, các quy luật biến động quần thể, các quan điểm về điều chỉnh kích thước quần thể và các trạng thái cân bằng của quần thể.

Chương 2. Cạnh tranh cùng loài và các mô hình toán về đơn quần thể. Chương này phân tích sự cạnh tranh giữa các cá thể sống trong cùng quần thể với nhau về các nguồn sống có giới hạn và các yếu tố ảnh hưởng đến cạnh tranh. Một vài mô hình cạnh tranh liên quan đến phân bố từ trước đến nay ít được đề cập ở Việt Nam cũng được giới thiệu trong chương này. Cuối chương là cách xây dựng các mô hình sinh trưởng quần thể bằng một tiếp cận toán học đơn giản nhất. Các mô hình này thường đã được dẫn trong các giáo trình cơ sở nhưng chỉ mang tính chất giới thiệu.

Chương 3. Các chiến lược tồn tại và phát triển trong chu kỳ sống của quần thể. Chương này giới thiệu các chiến lược sống của các cá thể trong quần thể trong điều kiện môi trường luôn biến thiên. Cuối chương là mục khái quát hai chiến lược thích nghi của quần thể trong điều kiện môi trường tương ứng với kiểu chọn lọc "r" và "K".

Chương 4. Mối quan hệ giữa các loài và cạnh tranh khác loài. Chương này khái quát một số khái niệm quan trọng liên quan đến quần xã và mối quan hệ giữa các loài trong quần xã. Phần trọng tâm của chương này là các đặc trưng của cạnh tranh khác loài và phân tích một mô hình cạnh tranh giữa 2 quần thể.

Chương 5. Mối quan hệ vật dữ và mồi. Sau khi phân tích về các mối quan hệ và khái quát những đặc điểm chung về các kiểu quan hệ giữa vật dữ và mồi, giáo trình đã giới thiệu 3 mô hình: vật ăn thịt và con mồi. vật ký sinh và vật chủ, động vật ăn cỏ và cỏ.

Chương 6. Khai thác và kiểm soát các quần thể. Đây là chương thiên về sinh thái ứng dụng. Sau khi nêu các nguyên lý cơ bản liên quan đến khai thác và kiểm soát quần thể, chương này đã phân tích sâu hơn về các quy luật biến động quần thể khi có khai thác và kiểm soát tác động lên quần thể trong điều kiện tự nhiên.
 
Đây là giáo trình được biên soạn chính thức lần đầu về Sinh thái học quần thể nên chắc chắn không tránh khỏi những khiếm khuyết và hạn chế. Tác giả rất mong được sự góp ý của đồng nghiệp và sinh viên để sau này có những sửa chữa và bổ sung hoàn chỉnh, nhằm phục vụ tốt hơn cho bạn đọc.

[EBOOK] SINH THÁI HỌC QUẦN THỂ, NGUYỄN XUÂN HUẤN, NXB ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Quý bạn đọc có thể tải ebook trên về tại đây: PART 1 / PART 2.

Từ khoá: ebook, giáo trình, sinh thái học quần thể, quần thể sinh vật, Biến động số lượng và các trạng thái cân bằng của quần thể, Cạnh tranh cùng loài và các mô hình toán về đơn quần thể, Các chiến lược tồn tại và phát triển trong chu kỳ sống của quần thểCác chiến lược tồn tại và phát triển trong chu kỳ sống của quần thể, Mối quan hệ giữa các loài và cạnh tranh khác loài, Mối quan hệ vật dữ và mồi, Khai thác và kiểm soát các quần thể

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

levantaihg@gmail.com