Cùng với nghề trồng trọt, nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm của Việt Nam đã được hình thành ngay từ thủa đầu dựng nước. Đánh giá được vai trò của chăn nuôi trong nông nghiệp, ngay sau khi cách mạng tháng 8 thành công, Chính phủ đã cho thành lập Nha Mục súc-Ngư nghiệp trong Bộ Canh nông, từ những năm trong thập niên 70 của Thế kỷ XX Nhà nước ta đã có chủ trương đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính. Cũng nhờ đây mà ngành chăn nuôi đã có được những bước phát triển nhất định, chuyển dần từ tự túc, tự cấp sang sản xuất hàng hoá, nhiều tiến bộ kỹ thuật về con giống, chuồng trại, dinh dưỡng và thú y của thế giới đã được du nhập và áp dụng vào Việt Nam. Các tiến bộ kỹ thuật đã có tác dụng cải thiện đáng kể năng suất vật nuôi, góp phần quan trọng trong sản xuất và cung ứng thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên do những hạn chế khách quan mà trong một thời gian dài tỷ trọng đầu tư cho chăn nuôi chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển nên trình độ và năng lực sản xuất của chăn nuôi nước ta vẫn còn rất thấp. Đứng trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội về số lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đòi hỏi ngành chăn nuôi phải có những thay đổi căn bản theo hướng thâm canh sản xuất hàng hoá như Nghị quyết số 8-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X ngày 5/2/2007 đã yêu cầu: cần điều chỉnh quy hoạch phát triển, nhanh chóng có biện pháp nâng cao sức cạnh tranh của một số sản phẩm dự báo sẽ ảnh hưởng mạnh trong thời gian tới, trong đó có thịt, trứng, sữa... trên nguyên tắc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao hơn; hình thành những vùng sản xuất hàng hoá lớn, tập trung. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao giống mới, tiến bộ kỹ thuật tiên tiến cho nông dân. Thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất gắn liền với việc chuyển dịch lao động nông nghiệp sang ngành nghề khác...
Thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông thôn và định hướng mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ngành đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, nhằm định hướng những mục tiêu và giải pháp chính huy động các nguồn lực xã hội để tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Ngày 16 tháng 1 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg, phê duyệt “Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020”. Đây là thành quả lao động to lớn và nghiêm túc của tập thể cán bộ quản lý, các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, người chăn nuôi trong cả nước. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương đến sự nghiệp phát triển chăn nuôi nước nhà.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển triển nông thôn xin chân thành cảm ơn sự đóng góp có hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao của Tổ soạn thảo và các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế, sự tham gia rộng rãi của các nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài ngành chăn nuôi, các doanh nghiệp, hiệp hội, người chăn nuôi trong cả nước và nhất là các đồng chí lãnh đạo ngành, các nhà khoa học tuy tuổi cao đã nhiệt thành tham gia đóng góp rất nhiều ý kiến quý giá cho nội dung của Chiến lược này.
Trong quá trình thực hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục mong nhận được sự hợp tác chặt chẽ của các bộ ngành, các địa phương, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, hiệp hội... cùng người chăn nuôi triển khai thành công những mục tiêu mà chiến lược đã đề ra.
[EBOOK] CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI ĐẾN NĂM 2020, BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN, NXB NÔNG NGHIỆP
Từ khóa: ebook, giáo trình, chiến lược phát triển chăn nuôi, phát triển ngành chăn nuôi, kỹ thuật chăn nuôi, cơ cấu ngành chăn nuôi, phát triển nghề chăn nuôi, chăn nuôi gia súc gia cầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
levantaihg@gmail.com