Tìm kiếm Ebook:

⇩⇩⇩ HƯỚNG DẪN TẢI EBOOK TRÊN BLOG ⇩⇩⇩

[BUỒN LÀM CHI EM ƠI] TÀI KHOẢN MEDIAFIRE CỦA BLOG ĐÃ BỊ KHÓA

Đầu tiên mình xin cám ơn các bạn đã gắn bó với Blog suốt thời gian qua, nhờ có mọi người mà Blog của mình mỗi ngày một đông vui hơn, cá...

[EBOOK] KỸ THUẬT TRỒNG CAO SU VỚI DIỆN TÍCH NHỎ, VIỆT CHƯƠNG VÀ NGUYỄN VĂN MINH, NXB MỸ THUẬT



Mặc dầu mới được du nhập vào nước ta khoảng một trăm năm nay, nhưng cây Cao su đã chiếm được địa vị quan trọng trong ngành trồng tỉa, và cũng được đa số nông dân chuộng trồng.

Bằng chứng cho thấy, hiện nay, mỗi năm, diện tích trồng cao su càng được phát triển mạnh, không những ở các nông trường Cao su quốc doanh, mà cả tư nhân với những diện tích nhỏ.

Tại nhiều vùng thuộc hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước, trong năm bảy năm gần đây, cứ mỗi năm chúng tôi ghé thăm, diện tích trồng Cao su của tư nhân lại được nới rộng ra mãi. Ngoài vùng đất còn hoang hóa được trồng mới còn rải rác những nơi trước đây trồng Cà phê, trồng Điều với diện tích khá rộng cũng được thay thế bằng những vườn Cao su non một vài năm tuổi.

Đây là chuyện đáng mừng, vì cây cao su hiện nay được đánh giá là mặt hàng xuất khẩu quan trọng, được xếp vào hàng thứ ba, sau nông sản chính là lúa và Cà phê. Dù giá cả nhiều khi dao động nhưng đây chỉ cũng là chuyện nhất thời.

Giá cả dao động do nhiều nguyên nhân song nếu nhà vườn biết chọn giống sản lượng cao su, biết áp dụng cách trồng tỉa đúng khoa học kỹ thuật thì sẽ không phải bị lỗ.

Mặt khác, như chúng tôi đã đề cập qua nhiều cuốn sách, là khuyên quí vị khi trồng các loại cây công nghiệp dài ngày nên kiên tâm trĩ chí theo đuổi đến cùng, vì đầu tư loại cây này tốn kém tiền bạc và công sức quá lớn, nhưng hưởng lợi được lâu dài nhiều năm như Tiêu, Điều, Cà phê và một số loại cây ăn trái khác.

Trong trường hợp giống trồng bị suy thoái, thị trường tiêu thụ gặp bế tắc lâu dài, thì mới... tự cho phép mình chịu thua cuộc nửa chừng mà thôi.

Chúng tôi rất đau lòng khi thấy nhiều người trồng cây mà thiếu cơ sở khoa học về giống, lại đứng núi này trông núi nọ, cứ thấy người ta ăn khoai mình vác mai đi đào: vườn dừa sắp thu lợi lại cam tâm đốn bỏ để trồng nhãn. Khi thấy nhãn bị dao động giá, dù “cắt ca cắt củm” mới hưởng được vụ chiến đầu mùa lại vội đốn đi để trồng một loại cây khác...

Với giống cây ngắn ngày, việc phá bỏ tốn kém không nhiều nên không tiếc lắm, nhưng với loại cây dài ngày, một lần đốn bỏ mà lại trồng với diện tích rộng thì có khác gì tự mình làm tiêu tan sản nghiệp!

Vậy thì ta phải có những suy nghĩ kỹ lưỡng từ trước. Tại sao ta không tự tin vào khả năng tính toán của mình mà chạy theo phong trào? Một thời thiên hạ đua nhau trồng Điều, rồi lại lắm người phá Điều để trồng Cà phê hay Nhãn, vì nghĩ rằng hột điều “dội chợ”. Nhưng, mùa sau hột điều lại lên giá, và các cơ sở chế biến lại phải nhập hột điều thô từ nước ngoài về, hao tốn một số ngoại tệ lớn, khiến nhiều người lại tiếc rẻ!...

Quý vị nào “chết sống” với nghề chăn nuôi, trồng trọt, chắc chắn sẽ có nhiều kỉnh nghiệm về giá cả thị trường trồi sụt: người nào kiên tâm chịu đựng giỏi thì người đó sẽ có cơ hội thắng lớn! Chuyện này không chỉ xảy ra ở nước ta, mà nhìn rộng ra, nhiều quốc gia khác cũng vậy mà thôi! Bất kỳ mặt hàng nào giá cả cũng khi vầy khi khác, cũng như mùa màng có năm trúng năm thất vậy. Người xưa có câu: “Vàng bạc có giá, tôm cá theo buổi chợ”. Thế nhưng thực tế cho thấy vàng bạc tuy để lâu không thiu thối, thế mà giá cả cũng dao động từng ngày...

Xin trở lại vấn đề cây Cao su: cây Cao su được đem trồng tại nước ta vào những năm cuối cùng của thế kỷ 19. Từ đó đến nay chỉ hơn một trăm năm, chắc chắn trong thời gian đầu khá dài, chỉ để trồng thử nghiệm xem có phù hợp với phong thổ không, và sau đó mới trồng “đại trà”... Chỉ một trăm năm, từ con số không đến nay tổng diện tích trồng được đã lên đến con số ngoài sức tưởng tượng của mọi người: trên 350 ngàn ha, trong đó đa số là vườn Cao su quốc doanh, và số ít là vườn Cao su của tư nhân.Tuy ngày nay, vườn Cao su tư nhân mới chỉ hơn 100 ngàn ha, nhưng theo nhiều tài liệu cho thấy khu vực cao su tư nhân sẽ còn nới rộng thêm rất nhiều vào những năm tới, vì càng ngày các tiểu điền càng ý thức được nguồn lợi to tát do cây Cao su mang lại. Chính vì vậy họ không ngần ngại nới rộng diện tích trồng trọt thêm ra. Hiện nay, vườn Cao su tư nhân rộng trên chục ha không còn là chuyện hiếm thấy nữa!

Chúng tôi nhận thấy đa số những vườn Cao su tư nhân được thành lập gần địa điểm những vườn Cao su quốc doanh, và cứ thế càng lúc càng lan rộng ra mãi... Đây cũng là việc dễ hiểu: một là những tiểu điền đó có nhà cửa đất đai ở cạnh vườn Cao su quốc doanh, thấy cây cho nguồn lợi lớn nên sẵn sàng phá vỡ đất đai ra trồng trọt; hai là chủ nhân các vườn Cao su tư nhân đó vốn là công nhân tại các công trường Cao su quốc doanh, đã tích lũy được nhiều kinh nghiêm ngành nghề nên họ cùng gia đình, bà con đua nhau trồng Cao su, thay vì trồng các giống cây khác...Việc “trồng ăn theo” này có nhiều điều lợi cho giới tiểu điền: sản phẩm thu hoạch được nếu bị thương lái bên ngoài ép giá, có thể bán thẳng cho các nông trường, vì nơi đây có sẵn nhà máy chế biến. Đã thế, các tiểu điền còn được nhà nước (qua chuyên viên các nông trường Cao su quốc doanh) thường xuyên đến tận nơi phổ biến những kiến thức khoa học kỹ thuật trong việc trồng và khai thác mủ đạt được năng suất cao hơn, và nhất là giúp vườn Cao su có tuổi thọ lâu bền hơn. Đó là chưa nói đến việc chỉ dẫn cách bón phân hợp lý, cũng như phương pháp phòng ngừa và chữa bệnh cho vườn cây...

Đa số nông dân ta cũng như nông dân các nước trồng Cao su nổi tiếng khác trên thế giới, trong đó có các nước vùng Đông Nam Á, do nghèo nàn đất đai nên thường trồng trong vườn nhà với diện tích hẹp: có vườn chỉ rộng năm bảy công đất, đi chưa mỏi cẳng đã giáp vòng; rộng hơn một chút là vài ba mẫu; ít người được năm mười ha trở lên...

Nhưng dù trồng với diện tích nhỏ, ta cũng phải tuân thủ những kỹ thuật trồng trọt hợp với khoa học tiên tiến thì mới mong gặt hái được thành quả cao. Và đó mới là điều quan trọng.

Thực tế cho thấy, có những vườn Cao su tư nhân với diện tích nhỏ hẹp, nhưng nếu chịu khó chăm sóc đúng kỹ thuật, sản lượng mủ đạt được rất cao, hơn những người trồng với diện tích lớn gấp đôi, thậm chí gấp ba! Ngược lại, đất đã ít mà còn trồng sai quy cách, chăm sóc lại... tùy hứng, coi như việc phó thác cho trời, thì đừng trách cây lớn èo uột, năng suất chẳng ra gì...

Để giúp các tiểu điền nắm bắt được những hiểu biết cần thiết về khoa học kỹ thuật trong ngành trồng Cao su, chúng tôi mạo muội soạn ra cuốn sách này. Hy vọng tập sách nhỏ này sẽ giúp quí vị gặt hái được nhiều thành công hơn với vườn Cao su nhỏ của mình. Không nên mặc cảm vì vườn Cao su với diện tích nhỏ hẹp, mà nên tìm cách đạt được sự hãnh diện với vườn Cao su trồng đúng kỹ thuật.

Chúng tôi đặt nhiều hy vọng trước viễn cảnh diện tích Cao su tư nhân tăng mạnh hơn, và sẽ đạt thành quả cao hơn trong vài ba năm tới...

[EBOOK] KỸ THUẬT TRỒNG CAO SU VỚI DIỆN TÍCH NHỎ, VIỆT CHƯƠNG VÀ NGUYỄN VĂN MINH, NXB MỸ THUẬT

Quý bạn đọc có thể tải ebook trên về TẠI ĐÂY.

Từ khóa: ebook, giáo trình, kỹ thuật trồng cao su diện tích nhỏ, kỹ thuật trồng cao su, kỹ thuật chăm sóc cao su, trồng và chăm sóc cao su, sâu bệnh hại cao su, kỹ thuật bón phân cho cây cao su, kỹ thuật phòng trừ bệnh hại cây cao su

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

levantaihg@gmail.com