Cây lạc (đậu phộng) - Arachis hypogaea L. còn gọi là lạc, đậu phụng, lạc hoa sinh, địa quả, hương quả. Gọi là lạc hoa sinh vì hoa của nó mọc ở nách lá, sau khi thụ phấn thì cuống hoa dài ra hướng vào trong đất để quả lớn lên. Cây lạc có nguồn gốc ở Brazil, được nhập trồng nhiều nơi để làm thực phẩm, thức ăn gia súc, làm thuốc... là cây có dầu quan trọng đứng hàng thứ tư trên thế giới, được trồng chủ yếu ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, vùng ôn đới có khí hậu ấm áp.
Cây lạc được xem là nguồn cung cấp chất đạm và dầu thực vật có giá trị (chỉ sau đậu nành). Hạt lạc là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Trong 100g hạt lạc có chứa: nước 7,5g; protid 27,5g; lipid 44,5g; glucid 15,5g; chất xơ 2,5g; tro 2,5g; các muối khoáng: Ca 68mg; P 420mg; Fe 2,2mg; Mg 176mg; Mn 2,1mg; K 658mg; Zn 3mg; Cu 0,7mg; các vitamin: vitamin B1 0,44mg; B2 0,12mg; PP 16mg; E 1mg; chất leucoanthocyanic có tác dụng cầm máu.
Đông y cho rằng lạc có tác dụng bổ tỳ vị, ích khí, dưỡng khí huyết, cầm máu, nhuận phế, tiêu đàm, nhuận trường, tăng tiết sữa. Dầu thích hợp với những người ăn uống kém, suy dinh dưỡng, đau dạ dày, ho có đàm, bị các chứng xuất huyết, sản phụ thiếu sữa. Nghiên cứu cho thấy, những người thường xuyên ăn lạc ít có nguy cơ bị các bệnh lý tim mạch hơn. Hạt lạc có nguồn protein dồi dào hơn bất cứ loại rau, đậu nào khác. Chính vì vậy, đây là loại thực phẩm rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ em, cân bằng dinh dưỡng cho những người ăn chay và người có chế độ ăn ít thịt.
Cây lạc có khả năng cố định đạm khá cao, trung bình mỗi vụ lượng đạm có thể cố định biến động từ 27 đến 207 kg/N/ha. Trong điều kiện thuận lợi cây lạc có thể cố định được lượng đạm tương đối lớn từ 200 - 260kg/ha. Chính vì thế mà biện pháp luân canh cây lạc và việc chôn vùi rễ thân lá sau khi thu hoạch là biện pháp làm giàu đạm cho đất có hiệu quả rõ rệt. Nó cung cấp một hàm lượng NPK tương ứng Ịà N=0,4%, P=0,2% và K=0,45%. Tại Trung Quốc qua nhiều năm nghiên cứu về luân canh cây trồng cạn nói chung và cây đậu nói riêng đã đưa đến những kết luận: trước hết cải thiện tính chất lý hóa đất rõ rệt, làm thay đổi pH đất, làm tăng hàm lượng chất hữu cơ trong đất; cải thiện thành phần cơ giới đất; làm tăng hàm lượng lân và kali; đặc biệt là luân canh giữa cây lạc với lúa đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các công thức luân canh khác. Đặc biệt đối với trồng cây lạc vụ Đông Xuân luôn luôn cho năng suất cao và việc luân canh cây lạc - lúa là biện pháp làm hạn chế sâu bệnh và cỏ dại, tăng năng cao năng suất cây trồng.
Những năm gần đây các nhà khoa học trồng trọt Việt Nam đã sử dụng công nghệ hiện đại về chọn tạo giống lạc, kết hợp với kinh nghiệm truyền thống đã chọn tạo được bộ giống lạc đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hàng hóa và thích ứng với các vùng khô hạn. Trung tâm khuyến nông quốc gia đã áp dụng các kỹ thuật thâm canh lạc tiên tiến phổ biến cho các vùng có diện tích trồng lạc lớn, góp phần tăng năng suất lạc đến 18 tạ/ha (tư liệu năm 2006).
Cuốn sách: “Kỹ thuật trồng lạc (Đậu phộng)” được biên soạn bao gồm các phần chính sau: Giá trị kinh tế của cây lạc, các giống lạc mới tiềm năng, kỹ thuật gieo trồng và phòng trừ sâu bệnh cho cây lạc.
Chúng tôi rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đông đảo bạn đọc.
[EBOOK] KỸ THUẬT TRỒNG LẠC (ĐẬU PHỘNG), KS. NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG, NXB KHOA HỌC TỰ NHIÊN VÀ CÔNG NGHỆ
Quý bạn đọc có thể tải ebook trên về TẠI ĐÂY.
Từ khóa: ebook, giáo trình, Kỹ thuật trồng lạc (Đậu phộng), kỹ thuật trồng lạc, kỹ thuật trồng đậu phộng, Giá trị kinh tế của cây lạc, các giống lạc mới tiềm năng, kỹ thuật gieo trồng và phòng trừ sâu bệnh cho cây lạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
levantaihg@gmail.com