Trong tập quán của người Việt từ bao đời, việc đón xuân mới thường gắn liền với việc thưởng hoa và là một nét đẹp văn hóa. Mùa xuân đến có rất nhiều loài hoa khoe hương, đua sắc; nhưng hoa mai vàng vẫn là một loài hoa thân thiết, gần gũi, nhất là đối với người dân ở miền Trung và miền Nam, bởi lẽ nó dễ trồng, phù hợp với khí hậu; ở miền Bắc do tiết trời giá lạnh vào dịp Tết nên cây hoa đào thường phù hợp và thích nghi hơn. Tuy nhiên, gần đây cây mai vàng ở phương Nam cũng đã xuất hiện vào dịp Tết ở phía Bắc.
Cây mai vàng ở miền Nam, hay cây đào ở miền Bắc như là một biểu tượng cho cái Tết cổ truyền, đại diện cho mùa xuân. Cho dù, ngày xuân còn có rất nhiều loại hoa khoe hương tham sắc, cây mai, cây đào vẫn chiếm giữ một vị trí quan trọng trong lòng của người thưởng hoa, nó gần như mang tính quốc hồn quốc túy trong lòng của người dân Việt.
Cây mai vàng quả là một món quà tuyệt vời của thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng Nam bộ. Ngày xuân, cây mai không chỉ đơn thuần là vật trang trí, tạo không khí xuân, làm đẹp gian nhà trong ba ngày Tết mà nó còn được cắm vào bình hoa trang trọng trên bàn thờ tổ tiên, như một sản vật mộc mạc từ đất dâng lên cho tổ tiên trong thời khắc thiêng liêng của một năm mới sắp đến.
Trong mấy ngày Tết, sự hiện diện của cây mai vàng trong nhà với sắc vàng rực rỡ, ấm áp, làm cho không khí xuân thêm rộn ràng ấm cúng. Ngày Tết thiếu cây mai vàng trong nhà hình như thiếu vắng một điều gì đó, cái Tết như chưa thực sự đầy đủ ý nghĩa. Cành mai đem lại niềm hy vọng, niềm tin vào sự may mắn ở một năm mới đạt được nhiều thành công. Như vậy nó còn mang cả giá trị trong khía cạnh tâm linh. Nó trở thành một nét đẹp trong văn hóa cổ truyền của người Việt.
So với nhiều loài hoa khác trong tự nhiên, hoa mai là loài hoa có khả năng phát tiết sớm trong năm. Khi trời mới lập xuân, lúc này khí trời còn hơi giá lạnh, cây mai đã bắt đầu khai hoa đón chào mùa xuân mới, vì thế mà cố nhân còn ví hoa mai là loài hoa có danh hiệu “Bách hoa khôi" (đứng đầu trong trăm hoa).
Cây mai là một loại cổ thụ, đời sống tự nhiên có thể kéo dài đến mấy đời người. Cây đứng sừng sững giữa trời chịu bao sự khắc nghiệt của cuộc sống, mùa hè nắng hạn như thiêu đốt, mùa đông giá lạnh cây trút hết lá, đứng trơ trọi giữa trời với những cành khẳng khiu, thế nhưng khi tiết lập xuân đến, những nụ hoa vàng óng lại nở trên những cành khô, một vẻ đẹp mà không biết bao lời thơ của cổ nhân đã dành tặng cho cây mai.
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa tươi
Trước mắt, việc đời ruổi
Trên đầu, già đến rồi.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước nở nhành mai
(Mãn giác thiền sư)
Người xưa đã xếp cây mai vào bộ "Tam hữu", đó là "Hữu trực" (ngay thẳng) - "Hữu lượng" (rộng lượng) - "Hữu đa văn" (hiểu biết nhiều), đó là ba người bạn tốt. Bộ tam hữu gồm có: Tùng - Trúc - Mai, đó là "Trượng phu tùng" - "Quân tử trúc" - "Ngự sử mai". So với cây tùng, cây trúc, thì cây mai giống ở khí tiết, đó là cốt cách hiên ngang, khí phách không chịu khuất phục, biết chịu đựng và vượt qua được sự khắc nghiệt của cuộc sống, nhưng nó lại có ưu điểm mà tùng và trúc không có được: đó là sắc và hương của hoa mang lại vẻ đẹp của sự dâng hiến cho đời, một phẩm chất cao quý mà Cao Bá Quát đã bái phục trong hai câu thơ:
Thập tải luân giao cầu cô kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
Tạm dịch:
Mười năm xuôi ngược, giao du, quyết tìm thanh kiếm cô. Suốt một đời chỉ biết cúi đầu vái lạy trước hoa mai.
Cây hoa mai còn được người xưa đưa vào bộ "Tứ quý" hay bộ "Tứ bình" tượng trưng những loại cây đại diện cho bốn mùa, đó là bộ Mai - Lan - Cúc - Trúc.
Người xưa rất trân trọng vẻ đẹp và giá trị của cây mai, một loài hoa quý được dâng cúng trời đất tổ tiên trong ngày đầu năm mới. Một loài hoa đem lại niềm tin, hạnh phúc vào tương lai.
Cây mai ở trong vườn thường được trồng ở sân trước, nơi có bàn thờ thiên, về sau, những người yêu thích hoa cảnh đem cây mai trồng vào chậu, họ uốn sửa tạo dáng, ký thác tâm tư, hoài bão vào cây, theo thời gian, cây mai được xem là một cây kiêng quý và có giá trị.
Theo đà phát triển của cuộc sống, ở các đô thị không gian sống ngày càng chật hẹp, người ta không thể trồng được cây mai trong sân vườn, người chơi mai đã trồng những cây mai vào chậu để thưởng ngoạn, dần dà, họ chọn lọc được các giống mai có hoa đẹp về cấu trúc, màu sắc tươi sậm, nở bền. Hiện nay, cây mai ghép 12 cánh rất được ưa chuộng và việc trồng cây mai ghép cũng đã trở thành một nghe kinh doanh tốt trong dịp Tết Âm lịch.
Để trồng và có được một cây mai ghép ra hoa đúng Tết, đòi hỏi người nuôi trồng cần phải có những kiến thức nhất định về kỹ thuật nuôi trồng, ghép, chăm sóc... Đây không phải là điều dễ dàng đối với nhiều người.
Sau một thời gian dài nuôi trồng, tìm hiểu về cây mai, chúng tôi mạnh dạn viết ra quyển sách này, dựa trên những kinh nghiệm tích lũy được từ bản thân, cũng như thông qua các đồng nghiệp, mong rằng những kinh nghiệm này sẽ giúp ích cho nhiều người đến được với cây mai một cách dễ dàng.
Trong quyển sách này chỉ cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết cơ bản về kỹ thuật nuôi trồng, ghép, sâu bệnh... trên cây mai, để từ đó vận dụng tốt vào từng điều kiện cụ thể. Trong quá trình biên soạn, chúng tôi đã cố gắng nhiều, song chắc còn nhiều thiếu sót về nội dung và cách trình bày, mong được sự góp ý và sự thông cảm của bạn đọc.
Tôi xin chân thành cám ơn các bạn bè, đồng nghiệp đã động viên và giúp đỡ cho tôi hoàn thành được quyển sách này.
[EBOOK] KỸ THUẬT TRỒNG MAI VÀNG, THÁI VĂN THIỆN, NXB NÔNG NGHIỆP
Quý bạn đọc có thể tải ebook trên về TẠI ĐÂY.
Từ khóa: ebook, giáo trình, kỹ thuật trồng mai vàng, kỹ thuật chăm sóc mai vàng, kỹ thuật nuôi trồng cây mai vàng, kỹ thuật ghép mai vàng, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh trên cây mai vàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
levantaihg@gmail.com