Từ xưa đến nay, Tết Nguyên Đán đối với người Việt mình là ngày lễ lớn nhất trong năm. Ngày Tết được coi là ngày thiêng liêng nhất, lại trùng với mùa hoa mai nở, nên hoa mai từ lâu được coi là biểu tượng Tết cổ truyền của người dân Nam Bộ, cũng giống như hoa Đào là biểu tượng ngày Tết của đồng bào ngoài Bắc.
Sắc vàng tươi tắn của hoa mai đã góp phần làm tăng thêm ý nghĩa đậm đà của ngày Tết, đồng thời với màu vàng thân thương đó cũng mang lại cho mọi người, mọi nhà niềm hạnh phúc, nhiều niềm tin yêu hơn về cuộc sống trong tương lai.
Tết đến, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn ai ai cũng đều có chung một điều mơ ước thiết tha là mong đất nước được thanh bình, nhà nhà được ấm no hạnh phúc, gặp muôn vàn thuận lợi từ sức khoẻ đến mọi công việc mưu sinh.
Vì vậy, ngay từ giờ phút đầu tiên làm lễ đón giao thừa chào mừng năm mới, nếu trong nhà may mắn có cây mai đơm hoa rực rỡ thì mọi người đều mừng, coi đó là điềm lành báu trước những ước mơ của mình sẽ có nhiều hy vọng biến thành hiện thực.
Điều đó gần như là một tập tục, hễ Tết đến thì nhà nào cũng có sự hiện diện của một vài cây mai với dáng thế đẹp và nhiều hoa trưng bày trong phòng khách. Nếu không, thì cũng có một bình hoa mai rực rỡ sắc vàng, màu của hạnh phức và thịnh vượng, đặt chưng cúng trên bàn thờ Ông Vải.
Do đó nên xưa nay vẫn như nhà nào ở... vùng đất phương Nam, nhất là tại các tỉnh thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long đều có trồng mai, không ít thì nhiều...
Ngay vào thời buổi cây mai chưa được coi là một thứ "hàng hóa" như ngày nay, có thể bán, mua như các món hàng hóa khác trên thị trường, thì ngày xưa, ông bà ta vẫn thích thú với việc trồng mai, nếu đất nhà có hẹp thì trồng vào chậu Kiểng.
Ngày xưa, ông bà mình trồng mai, cũng không khác mấy với cách trồng của chúng ta ngày nay. Đó là điều dễ hiểu vì chúng ta đã thừa hưởng được những kinh nghiệm và kỹ thuật trồng trọt quý giá của các đời cha ông trước đây truyền lại, có điều... vì vô tâm nên không hay biết mà thôi! Nhà nào có sân vườn tược rộng rãi mà lại bận rộn không có thì giờ để tưới bón chăm sóc thì trồng mai với số lượng nhiều đôi ba chục cây vào chổ đất... đầu thừa đuôi thẹo, mặc cho mai tự sống như... cây rừng. Đến rằm tháng chạp mới ra lặt lá mai, và Tết đến ra lựa những cành nhiều hoa về chưng cúng. Còn với những ai có đời sống sung túc, dư ăn thừa để lại có nhiều thì giờ nhàn rỗi thì bứng mai trồng vào chậu kiểng để tiện chăm sóc và trổ tài uốn sữa thành kiểng thế, lấy đó làm thú tiêu sầu giải muộn, vui vẻ tuổi già.
Thực ra, trồng mai ngoài việc dùng hoa để chưng cúng trong ngày Tết, với con mắt của người biết thưởng thức, với con mắt nhà nghề của các nghệ nhân hoa kiểng xưa, nó cũng có vẻ đẹp đặc trưng riêng, tìm hiểu càng sâu càng thấy thích...
Vẻ đẹp dễ thấy nhất ở cây mai là thân gầy và cành nhánh lại mềm mại, ẻo lả như dáng điệu của người con gái hiền hậu nhu mì. Vì vậy mới có câu: “Vô nữ bất thành mai" nên uốn sửa mai theo thế "mai nữ" xưa nay ai cũng công nhận là đúng cách, là xứng hợp.
Với cây mai ở trong thời kỳ còn sung sức thì cành nhánh vừa thanh tú vừa uyển chuyển linh động, tán lá xanh tươi. Đến mùa hoa nở, cành nào cũng chi chít những hoa, chứng tỏ cây đang ở giai đoạn căng tràn nhựa sống.
Còn đối với cây mai đã già, vẻ đẹp của nó càng được tôn lên nhiều lần, giá trị không kém gì tùng, bách, cần thăng, kim quít,... Ở cây mai già, đoạn gốc cũng phình ra với lớp vỏ bên ngoài sần sùi, meo mốc bám đầy, thể hiện rõ nét phong sương. Đã thế, trên mặt đất chậu, từ gốc bắn ra nhiều đoạn rễ với nhiều thăng bằng cho thân cây già lão bên trên khỏi bị ngã đỗ...
Thân cây đã già thì dáng cong như thân người cao tuổi cơ hồ sắp gãy gập, cơ hồ chỗ nào cũng mang nhiều chứng tích của sự đào thải của thời gian: lớp vỏ sần sùi nứt nẻ, điểm tô những hốc lõm trông rất tang thương. Cành cây mai già thường mang tán lá xác xơ, đây là nơi biểu lộ rõ nét nhất về sức sống của cây... Cành tươi nương tựa với cành khô, cành nguyên xen kẽ bên cành gãy, là những... thương tật khiến người đa cảm không tránh được mủi lòng!
Thế nhưng, nét đẹp của cây mai không chỉ có thế, không thể dừng lại ở đó. Trong cây mai có những nét linh diệu hơn, đáng để cho ta ngưỡng vọng nhiều hơn..
Chúng ta thấy trong Kinh thi, cây mai được đề cao là giống cây có tiết tháo trong sạch, không khác gì Tùng, Bách, vì đời sống nó kéo dài đến một vài trăm năm, hơn cả kiếp người, lại hiên ngang đứng trong trời đất mặc cho gió táp mưa sa bốn mùa quần thảo. Đó phải chăng là hình ảnh của kẻ nam nhi chi khí đầy tiết tháo kiên cường?
Vì thế, người xưa đã ghép cây mai vào bộ "Mai-Tùng-Trúc", vì ba cây này có những nét tương đồng: nào là tàn lá xanh tươi cả năm, nào là cứng cỏi có sức chịu đựng giỏi trước sương gió bão táp... Vì vậy cả ba cây này được coi là hiện thân đức tính của người quân tử biết tự lực cánh sinh, và lúc nào cũng sẵn sàng nhập thế hành đạo giúp đời.
Được biết, trong Đạo giáo cây mai được cho là do âm dương phối hợp mà thành.
Như vậy, với người xưa Vũ trụ quan và Nhân sinh quan đều thể hiện đủ trong cây mai cả.
Một loài cây có những đặc tính quá tốt như vậy nên xưa nay mới được nhiều người ưa chuộng và chọn trồng.
[EBOOK] THÚ CHƠI MAI CỦA NGƯỜI XƯA, VIỆT CHƯƠNG VÀ KS. NGUYỄN VIỆT THÁI, NXB MỸ THUẬT
Quý bạn đọc có thể tải ebook trên về TẠI ĐÂY.
Từ khóa: ebook, giáo trình, thú chơi mai của người xưa, kỹ thuật trồng mai vàng, kỹ thuật chăm sóc mai vàng, thú chơi mai vàng, trồng và chăm sóc mai vàng, mai vàng bonsai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
levantaihg@gmail.com