Thú - Mammalia - là một nguồn tài nguyên thiên thiên quý giá của các quốc gia và các vùng lãnh thổ, có vai trò quan trọng đối với đời sống con người và môi trường sinh thái. Từ lâu đời, con người đã biết khai thác sử dụng các loài thú để phục vụ cho đời sống hàng ngày. Chúng là nguồn cung cấp thực phẩm, nhiều sản phẩm quý giá như: sừng (tê giác, ngà voi, mật rắn, xương hổ v,v... ). Thú là nguồn gốc của nhiều loài gia súc đang được con người nuôi dưỡng.
Ở Việt Nam các sản vật của các loài thú cũng đã được sử dụng từ lâu. Các nhà bác học trong các triều đại phong kiến cũng đã thống kê nguồn lợi thú rừng phổ biến và giá trị sử dụng của chúng.
Nghiên cứu về thú ở nước ta thực sự được bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX bởi các nhà khoa học tự nhiên nước ngoài, nữa sau thế kỷ XX từ 1955 đến 1975 nghiên cứu thú ở miền Bắc được thực hiện chủ yếu bởi các nhà khoa học Việt Nam, ở miền Nam được thực hiện chủ yếu bởi các nhà khoa học Mỹ. Sau 1975 đất nước thống nhất, nghiên cứu thú được thực hiện rộng khắp trên cả nước chủ yếu bởi các nhà khoa học Việt Nam, có kết hợp với các nhà khoa học các nước và các tổ chức Quốc tế.
Các công trình mang ý nghĩa tổng kết tiêu biểu cho các thời kỳ này đáng kể là: Osgood W.H. (1932) đã ghi nhận 172 loài và phân loài thú có ở Đông Dương và Việt Nam; Van Peenen P. F. D., P . F. Ryan, R. H. Light (1969) ghi nhận 151 loài ở miền Nam Việt Nam; Đào Văn Tiến (1985) đã công bố 129 loài và phân loài, bằng những vật mẫu thu được trong những đợt điều tra khảo sát động vật nói chung, thú rừng nói riêng trong thời gian từ 1957 đến 1971 ở 12 tỉnh miền Bắc Việt Nam, tác giả đồng thời cũng phân tích quan hệ động vật - địa lý học, độ phong phú, chỉ số mật độ, đánh giá ái tính của khu hệ thú các địa phương. Ngoài ra còn các công trình nghiên cứu (trong nhóm thú riêng lẻ như: Lê Hiền Hào (1973) chuyên khảo về "Thú kinh tế miền Bắc Việt Nam" tập 1 đã mô tả nhiều loài thú có giá kinh tế. Cao Văn Sung, Đặng Huy Huỳnh, Bùi Kính (1980) nghiên cứu "Những loài gậm nhấm ở Việt Nam" đã xác định được 55 loài; Phạm Trọng Anh (1982) nghiên cứu các loài thú ăn thịt (Carnivora) miền Bắc Việt Nam. Đặng Huy Huỳnh (1966) nghiên cứu các loài thú móng guốc đã xác định bộ Móng guốc ngón lẻ (Perissodactyla) có 1 loài, bộ Móng guốc ngón chẵn (Artiodactyla) có 16 loài; Phí Mạnh Hồng (2001) công bố chuyên khảo Dơi Việt Nam và vai trò của chúng trong kinh tế và sản xuất nông nghiệp đã thống kê được 95 loài dơi. Ngoài ra còn có nhiều công trình nghiên cứu về thành phần loài thú ở các vùng các địa phương.
Trên cơ sở các tài liệu đã công bố và các tư liệu điều tra khảo sát trên khắp các vùng của đất nước, năm 1994 Đặng Huy Huỳnh. Đào Văn Tiến, Cao Văn Sung, Phạm Trọng Ảnh, Hoàng Minh Khiên đã công bố Danh lục thú Việt Nam gần 223 loài thuộc 12 bộ, 37 họ. Năm 2000, Lê Vũ Khôi công bố Danh lục thú Việt Nam gồm 14 bộ, 40 họ, 289 loài và phân loài.
Từ năm 1990 đến nay nhiều loài thú mới ở Việt Nam đã được phát hiện, đóng góp nhiều loài mới cho thế giới và nhiều loài mới bổ sung cho khu hệ thú Việt Nam. Các công trình nghiên cứu về thứ đã được thực hiện ở hầu khắp các vùng rừng núi và hải đảo. Đồng thời với việc nghiên cứu khu hệ là những nghiên cứu các đặc điểm sinh học, sinh thái của một số loài, đánh giá mật độ và trữ lượng, quy trình nhân nuôi phục vụ cho công tác bảo tồn phục hồi và phát triển nguồn lợi thú hoang dã quý hiếm ở Việt Nam.
Hơn một thế kỷ qua, cho đến nay có thể nói rằng Khu hệ thú Việt Nam đã được các nhà khoa học trong nước và nước ngoài đi sâu nghiên cứu góp phần làm cơ sở khoa học cho việc hoàn thành soạn thảo một số bộ thú trong bộ sách Động vật chí Việt Nam.
Được sự giúp đỡ và tài trợ kinh phí của Trung tâm Thông tin Tư liệu, của Viện sinh thái và Tài nguyên Sinh vật - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tập thể các cán bộ nghiên cứu về thú của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, tập hợp các tài liệu đã được công bố ở trong nước và nước ngoài, tư liệu của các đồng nghiệp, biên soạn chuyên khảo: Thú (Mammalia) Việt Nam - Hình thái và sinh học, sinh thái một số loài, nhằm cung cấp thêm những tư liệu góp phần cho việc nghiên cứu thú Việt Nam ngày càng hoàn chỉnh.
Chuyên khảo được biên soạn thành 3 tập, do thời gian có hạn, tập 1 chắc chắn sẽ chưa thật đầy đủ và còn nhiều thiếu sót, các tác giả rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến quí báu của đồng nghiệp và bạn đọc để bổ sung, sửa chữa hoàn chỉnh tập 1 và tiếp tục biên soạn tập 2, 3 trong thời gian tới.
[EBOOK] THÚ RỪNG - MAMMALIA VIỆT NAM HÌNH THÁI VÀ SINH HỌC SINH THÁI MỘT SỐ LOÀI, ĐẶNG HUY HUỲNH (CHỦ BIÊN) ET AL., NXB KHOA HỌC TỰ NHIÊN VÀ CÔNG NGHỆ
Quý bạn đọ có thể tải ebook trên về TẠI ĐÂY.
Từ khóa: ebook, giáo trình, Thú (Mammalia) Việt Nam, Hình thái Thú (Mammalia) Việt Nam, sinh học Thú (Mammalia) Việt Nam, sinh thái một số loài Thú (Mammalia) Việt Nam, Danh lục thú Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
levantaihg@gmail.com